Sáng nay thức giấc, xé tờ lịch treo tường, chợt giật mình nhận ra những ngày tháng Tư đã sắp về. Lòng nũng nịu trẻ con, con gái nhắc mẹ nhớ mua bó loa kèn cắm nơi góc phòng học. Loài hoa trắng muốt tinh khôi, lá xanh thanh mảnh, thơm dịu dàng thanh nhã, mà sao quấn quyện tâm thức đến như thế.
Mẹ xoa đầu con gái, vuốt mái tóc dài đen óng, kể cô nghe về truyền thuyết loa kèn, về người con gái mỏng manh mà mãnh liệt, dại khờ mà thủy chung, đến phút cuối đời vẫn vẹn tròn một tấm lòng yêu thương, để rồi từ trái tim người thiếu nữ trắng trong ấy, mọc lên những đóa hoa tinh khiết, trắng ngần tỏa ngát một mùi hương dịu ngọt của tình yêu chung thủy và sự bao dung, cao thượng.
Một điều gì đó tinh khiết nảy nở trong trái tim non dại của cô bé. Hay trái tim thiếu nữ nào cũng có một đóa loa kèn tinh khôi mới kết nụ?
Những ngày tháng Tư, rảo bước lang thang trên những con phố Hà Nội muôn thuở vắng và yên bình vào những sáng tinh mơ. Trời thật biết chiều lòng người, nắng nhẹ xuyên những sợi trong như thủy tinh, gió hiu hiu ôm ấp đất trời. Những gánh hoa rong chở những bó loa kèn rong ruổi khắp thành phố. Những vòng xe quay đều, quay đều, chậm rãi như những nhịp trái tim cần lắm an nhiên trong những ngày tháng Tư rất hiền
Hà Nội trong trẻo đến lạ mỗi mùa hoa đến những gánh hàng hoa tự khi nào đã trở thành nét đẹp bình dị mà kín đáo của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Ừ thì, giữa những xô bồ và ồn ã, những người yêu hoa, yêu Hà Nội vẫn còn giữ chút lòng thành, mua những bông hoa loa kèn, để mà thưởng thức vẻ đẹp chỉ có một lần trong năm.
Rồi đâu đó, người ta thấy những nụ cười trong sáng không vướng phiền lo của những tà áo dài trắng học trò bên cạnh hoa loa kèn. Không biết tự bao giờ, nhớ đến loa kèn, là nhớ đến những thiếu nữ chưa tròn đôi mươi e ấp bên hoa. Là những buổi chiều đến lớp, bó hoa trắng nằm gọn gàng dưới ngăn bàn của ai đó.
Vì người ta sinh ra đã là hoa đất, hay loa kèn sinh ra là để sóng đôi với loa kèn. Cũng đâu cần bận tâm, bởi bên kia đường, chàng nhiếp ảnh gia trẻ tuổi đang cố gắng thu ống kính, ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của người – hoa. Biết đâu đấy, thật tình cờ, hoa loa kèn se duyên cho chàng trai và cô gái một mối tình trong và ngọt, dịu và ấm như loài hoa thuở ban đầu.
Lẩn khuất trong một ngõ nhỏ của những mái nhà nhấp nhô, giọng cô Bống dịu dàng vang lên, tròn, trong và rõ, cất tiếng ca “Tháng Tư về”:
“Em mơ mơ về con đường nhỏ
quanh co lối mòn hoa dại nở,
chỉ mình em bên anh bên anh…”
Lòng người con gái thổn thức một nỗi niềm tháng Tư. Âu cũng là nỗi niềm của hoa loa kèn em ơi, loài hoa của tình yêu người thiếu nữ. Ngoài kia, những bông loa kèn đang vươn mình đón lấy tháng Tư xanh như đường chân trời…
Tháng Tư về, có một loài hoa cho riêng em!
Theo Facebook Hà Nội
Bài hát của nhạc sĩ Dương Thụ gợi mở không gian “gió hát mùa hè, có những chân trời xanh thế” sau một tháng ba với những cơn mưa ẩm ướt.
Tháng ba đi qua với những cơn mưa phùn rả rích. Một sáng nọ, cô gái mở cửa sổ, thấy chim hót líu lo, trời hửng nắng và một mảnh trời xanh diệu vợi như chưa từng được thấy bao giờ. Đó là lúc tháng tư về…
“… Tháng tư về, gió hát mùa hè
Có những chân trời xanh thế
Mây xa vời, nắng xa vời
Con sông xa lững lờ trôi…”
Dương Thụ không reo lên như Xuân Diệu khi đón mùa thu: “Đây mùa thu tới! Mùa thu tới / Với áo mơ phai dệt lá vàng”. Vị nhạc sĩ đón tháng tư rất giản dị: “Tháng tư về”. Đó là cách người ta chào một người bạn cũ lâu ngày không gặp.
Đất trời tuần hoàn: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Bốn mùa nối tiếp, chỉ một chữ “về” thôi đã cho thấy sự tinh tế trong cách dùng từ của người nghệ sĩ.
Tháng tư bắt đầu bằng một mảnh trời xanh. Như người ta thường nói “Có đi qua những ngày mưa mới yêu hơn những ngày nắng”. Mới hôm nào, mặt trời đi vắng. Con đường trước nhà lầy lội những sình đất. Những hàng cây ủ rũ xám xịt. Quần áo đẹp đẽ xếp lại. Cô bé nhà bên mặt phụng phịu chui vào chiếc áo mưa để đi làm. Đất trời buồn bã như thế, làm điệu để đẹp với ai?
Phải trải qua những ngày mưa dầm tháng ba mới thấy hết cái ngỡ ngàng, rạng rỡ khi bắt gặp một ngày có nắng. Cỏ cây hoa lá bừng bừng sức sống “xanh như là thương nhau”. Đường phố được gột rửa sạch sẽ tinh tươm. Nắng làm hồng thêm đôi má thiếu nữ. Lòng phơi phới, nàng diện váy áo đẹp đẽ, tung tăng ra phố, lòng mơ về hạnh phúc. Vạn vật như được ướp hương, tinh khôi lắm, dịu dàng lắm: “Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm / Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa”.
Những ngày tháng tư mà được đi ra khỏi thành phố, tìm về với miền thôn dã, được gối đầu lên cỏ thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Như một bàn tay kỳ diệu nào đó nhấc tấm màn u ám của tháng ba đi, tầm mắt ta được trải rộng. Ngút tầm mắt là cảnh thiên nhiên khoáng đạt với gió, với mây mà những con sông xa “lững lờ trôi”.
Tháng ba đi mất, đem theo những “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Người thiếu nữ cũng chẳng còn trách thầm: “Anh ạ mùa xuân đã cạn ngày / Bao giờ em mới gặp anh đây”. Cũng đã qua rồi cái thời “Hương bưởi thơm cho lòng bối rối” với lời tỏ tình chẳng bao giờ dám nói chỉ đành “nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.
Mùa xuân kết thúc để mùa hạ bắt đâu. Những mùa hoa nối tiếp những mùa hoa. Mùa của tin, của yêu, của những giấc mơ về hạnh phúc đã về. Đất trời ủ mật. Giọt hy vọng được gieo sẵn trong tim đợi chờ nảy mầm. Tháng tư về, trong vắt như một tiếng cười. Chẳng còn chỗ cho sự hoài nghi. Nếu người thiếu nữ phải chờ đợi, nàng sẵn lòng chờ đợi:
“… Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng
Hát giấc mơ nào xa lắm
Em mong chờ, mãi mong chờ
Bao nhiêu vẫn cứ đợi anh…”
Sự chờ đợi chỉ khổ sở khi người ta thiếu niềm tin: không biết phải chờ đến bao giờ? Chờ cái gì? Và người ấy có quay lại không? Những câu hỏi đó hút dần, hút mòn sức lực của con người, khiến họ kiệt quệ. Nhìn lên phía trước chỉ thấy một màn sương trắng xóa, không rõ tương lai, không biết cái gì sẽ đến. Những ý nghĩ ấy tước bỏ niềm vui sống của kẻ chờ, khiến họ hóa đá, trở thành những nàng Vọng Phu.
Nhưng “muốn thấy cầu vồng, phải nhẫn nại với những cơn mưa”. Người thiếu nữ trong bài hát tin tưởng ở mình, tin ở người yêu. Giữ trong tim một khối tình nồng nàn, nàng biết mình sẽ đợi được. Giống như nàng đã đi qua những ngày u ám của tháng ba, để chờ được tháng tư về. Mọi thứ đều có thời điểm của nó. Ấp trong đất sâu, đến kỳ hạn, hạt sẽ nảy mầm. Một ngày nào đó, bước chân phiêu du mỏi mệt, người ấy sẽ quay về.
“… Mơ, em mơ, mơ về con đường nhỏ
Quanh co lối mòn hoa dại nở
Chỉ mình em bên anh, bên anh…”
Bức tranh "Thiếu nữ bên hoa huệ" của họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng gợi đến không gian của tháng tư.
Bức tranh giản dị và bình yên đến ứa nước mắt. Mỗi khi mơ về hạnh phúc, dường như người ta luôn mong trốn thoát thành phố đông đúc, xô bồ để tìm về với thiên nhiên. Chẳng phải nhạc sĩ Đức Huy từng viết: “Em muốn được cùng anh, về miền biển vắng / Mình sẽ sống những ngày hè ươm nắng, dưới bóng dừa lả lơi”. Nhạc sĩ Trần Tiến cũng từng mơ về nơi “đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn yên vui”, “họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau”.
Thôi nhé những bon chen, phiền muộn, bỏ lại sau lưng. Nơi đây chỉ còn hoa với cỏ, mùa xuân chín rục rồi, chẳng cần ai chăm bón cũng bừng bừng sức sống. Trong không gian đó chỉ có “anh” và “em”, hai người sống hạnh phúc vĩnh viễn bên nhau. Dưới trời xanh tháng tư, sao giấc mơ êm đềm ấy lại sống động và hiện thực đến thế.
“… Nghe bâng khuâng mấy nhành hoa lựu đỏ
Ta chia tay những ngày xuân để hát
Một mùa hè, mùa hè…”
Tháng tư có rất nhiều loài hoa: hoa bách hợp tinh khôi khắp phố, hoa gạo thắp đỏ một khoảng trời, hoa hướng dương rực rỡ những mặt trời bé con… Vậy mà, nhạc sĩ Dương Thụ lại chọn “hoa lựu” - một loài hoa dân dã trong vườn nhà để đón mùa hè, đón tháng tư.
Vương vấn đâu đây là hình ảnh thơ của Nguyễn Du thuở nào: “Dưới trắng quyên đã gọi hè / Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”. Phải là cái sắc đỏ thắm ấy mới hòa hợp với hoa dại, với khung cảnh thôn quê mà người thiếu nữ đã vẽ ra khi mường tượng về hạnh phúc.
Tháng tư về kết thúc bằng một lời giã biệt và một lời chào. Cảm ơn nhé, mùa xuân, vì tất cả những dịu ngọt đã mang. Lòng người phơi phới hướng về tương lai, về một mùa hè sẽ rạng ngời, sống động đang chờ đợi ở phía trước.
Tháng tư đậu trên ô cửa sổ, trong ánh mắt long lanh mơ mộng của người thiếu nữ. Một sáng trong trẻo nào, tỉnh dậy với giọng ca ngọt ngào nhẹ tênh của Khánh Linh, sao thấy cuộc đời nhẹ nhàng và đáng yêu đến thế.
Sáng nay thức dậy, xé tờ lịch treo tường và chợt nhận ra tháng Tư về. Vậy là đã hết mùa xuân, tháng Tư bước từng bước đầu tiên nhẹ nhàng gõ cửa mùa hè...
“Phố tháng Tư - phố dài nỗi nhớ
Gió nồng nàn ve vuốt những môi hôn
Mây tháng Tư xôn xao lời yêu cũ
Cứ thủy chung xanh mãi đến nồng nàn
Chỉ con đường tháng Tư thay sắc lá
Nắng đổi màu, nắng ấm giấc mơ hoa
Thương bàn chân tháng Tư về lặng lẽ
Ngác ngơ tìm một vạt nắng chiều xa…”
(Lương Đình Khoa)
Tháng Tư về, nghe bâng khuâng dạt dào bao cảm xúc cùng đất trời. Vài ngọn gió giao mùa kéo nhau về lùa qua từng vạt mưa cuối xuân ẩm ướt, làm những nỗi muộn phiền ngơ ngác chợt tan biến, lẩn khuất đâu đó, rồi tan nhanh dưới vòm trời xanh mênh mang đầy gợi cảm...
Ngơ ngác tự hỏi lòng từ bao lâu sự bộn bề và mỏi mệt trong công việc đã khiến ta lơ đễnh, không còn chờ mong, mở lòng hân hoan đón mỗi tháng Tư về? Hãy thử cảm nhận bằng việc hít một hơi thật sâu, tâm hồn thật lắng để nghe được tiếng gió hát mùa hè, chợt nhận ra bên cạnh ta có những chân trời xanh thế.
Tháng Tư về, gió đón những cánh diều bay không biết mỏi, tự do phấp phới dù bị sợi dây mỏng manh ràng buộc. Mây xa vời, nắng cũng xa vời với cuộc sống nhộn nhịp nơi thành thị. Đâu đâu cũng nghe tiếng còi xe từng hồi kêu inh ỏi, tiếng người nhốn nháo bước vội vàng trên đường.
Phải đi thật xa, ra ngoại ô thành phố hay đơn giản tìm đến chốn quê yên bình mới thấy con sông xa lững lờ trôi rồi thả hồn vào dòng nước, chợt thấy như tìm lại được chính mình dưới mặt nước xanh trong.
Tháng Tư về, nắng nhẹ nhàng nhưng sao lòng người thấy gắt. Đôi khi con người ta chỉ cảm thấy nhịp thở vào ban đêm, dưới ánh sáng vàng chói của đèn cao áp. Đi trên đường, nơi đâu cũng thấy ánh sáng dù là ban đêm, đôi lúc muốn tìm một chỗ tối dừng chân, muốn nghe được tiếng râm ran của dế, của mùi đồng nội xanh rì nhưng sao khó quá.
Ở thành phố, ít ai ngắm được ánh trăng đẹp như ở quê nhà. Chợt vu vơ ngồi hát như đang mơ một giấc mơ xa lắm.
Tháng Tư, mơ. Tôi mơ, mơ về con đường nhỏ chốn quê nhà, quanh co lối mòn hoa dại nở. Mỗi chiều chơi trốn tìm cùng đám bạn trong xóm không biết mệt rồi ngồi dựa vào nhau ngửi từng hương thơm thoang thoảng của hoa bưởi vườn ông.
Mơ về những buổi sớm thức giấc nghe tiếng chim nhảy nhót ríu rít sau vườn rau của bà. Mơ giờ phút ngồi trên chuyến xe từ nơi đất khách về với quê hương, háo hức được ùa vào cánh đồng cha “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.
Mơ về dòng sông nhỏ trong xanh mát rượi với ánh trăng tròn rủ bóng bên rặng dừa nước nơi cầu ao mẹ hay ngồi làm việc nhà. Mơ giấc mơ ngày trước miệt mài bên đèn sách chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc một đời học sinh và bây giờ là chuẩn bị cho đứa em nhỏ… Và cứ thế, tôi mơ.
Tháng Tư về, ta chia tay những ngày xuân đầy lộc non mơn mởn để đón nắng hè, để cùng nhẩm theo lời hát: “Tháng Tư về, gió hát mùa hè. Có những chân trời xanh thế. Mây xa vời, nắng xa vời. Con sông xa lững lờ trôi. Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng. Hát giấc mơ nào xa lắm….”